Bà Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chứng kiến cảnh áp bức bóc lột của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai địa chủ cường hào ác bá, ngay từ khi còn nhỏ Bà đã sớm giác ngộ cách mạng...Bà có bí danh là Hai Liên, sống trong một gia đình nông dân nghèo. Cha tham gia kháng chiến chống Pháp rồi mất tích, mẹ mất sớm, bà được người chú ruột nuôi dưỡng. Bà được một nhà giáo hoạt động cách mạng giác ngộ và giới thiệu đi làm thợ dệt ở xưởng dệt Láng Tròn, bắt đầu tham gia cách mạng từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945, Bà tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp thực hiện nguyện vọng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị đô hộ, Bà đã lập được nhiều chiến công. Năm 1948 Bà được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau đó làm cán bộ Phụ nữ huyện Giá Rai, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay). Đến năm 1949, Hai Liên là Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc miền Đông.
Năm 1954 sau khi hiệp định Geneve được ký kết, Bà tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng chống chế độ độc tài phát-xít của Mỹ - Diệm. Năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Bà được bầu làm Phó Hội trưởng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà còn là một cây viết xã luận sắc xảo của báo Phụ nữ Giải phóng góp phần tuyên truyền xây dựng phong trào phụ nữ chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền.Đến năm 1965, bà được tổ chức phân công phụ trách Trưởng ban Phụ vận khu Sài Gòn - Gia Định và trực tiếp vào nội thành chỉ huy lãnh đạo phong trào phụ nữ của Sài Gòn, Chợ Lớn.
Bà Lê Thị Riêng là một người phụ nữ giàu lòng yêu nước, liên tục đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, là một cán bộ cách mạng tài năng và đức độ. Trong suốt 2 cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm cứu nước Bà đã hoạt động liên tục không biết mệt mõi. Trong những năm khó khăn gian khổ hy sinh, Bà luôn luôn tỏ ra là một cán bộ rất mực trung kiên, xuất sắc của phong trào. Bà đã đóng góp nhiều công sức xây dựng cơ sở cách mạng, gây dựng phong trào phụ nữ ở miền Nam, được toàn thể phụ nữ miền Nam và nhân dân miền Nam cảm mến tin yêu và khâm phục.
Trong một chuyến đi công tác vào tháng 5/1967, Bà bị sa vào tay bọn công an, mật thám và bè lũ Mỹ - Thiệu - Kỳ. Bọn mật vụ Mỹ CIA và bọn công an ngụy đã dùng cực hình tra tấn Bà rất dã man. Chúng đốt cháy 10 ngón tay Bà đến trơ xương, Bà vẫn giữ vững khí tiết trung kiên của người chiến sĩ cách mạng, đã biểu hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao khí phách hiên ngang bất khuất. Tinh thần dũng cảm ngoan cường ấy đã làm cho bè lũ Mỹ và tay sai vô cùng khiếp đảm.
Đêm mồng 2 Tết Mậu Thân (31/ 01/ 1968) bọn địch đã hèn hạ ám hại Bà cùng một số người yêu nước khác trên đường Hồng Bàng (nay là đường Hùng Vương –TP Hồ Chí Minh).Cả thế giới nghiêng mình trước sự hy sinh của bà Lê Thị Riêng. Nhiều xí nghiệp, trường học, hợp tác xã, nông trường và các hội, đoàn thể lúc bấy giờ trong Nam ngoài Bắc đều tổ chức nghiêm trang lễ truy điệu. Trung ương Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam phát động phong trào thi đua, học tập, nỗ lực chiến đấu, lao động gấp 5 lần 10 lần để trả thù cho Lê Thị Riêng. Tại Sài Gòn, một Tiểu đoàn biệt động nữ mang tên Lê Thị Riêng được thành lập, là mũi nhọn tấn công đợt 2 Tết Mậu Thân 1968.
Sự hy sinh rất anh hùng của Bà đã nêu một tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có cái chết hóa thành bất tử, là cội nguồn bắt đầu cho sự sống mới. Bà đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ, những đức tính cần cù, giản dị, khiêm tốn và phẩm chất cao quý của Bà đã được mọi người kính phục và học tập. Bà đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam truy tặng Huy chương “Thành Đồng” hạng II và Huân chương “Quyết Thắng” hạng I. Ngày 10/4/2001, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Bà.
Ngày nay trên đường Hồng Bàng (Quận 5, TP Hồ Chí Minh) đoạn giáp vòng xoay Châu Văn Liêm trong hoa viên có một tấm bia lịch sử lưu dấu cho người đời về nơi kẻ thù đã xả súng thủ tiêu 3 đồng chí là tù chính trị. Một vụ giết người man rợ và hèn nhát khiến lịch sử căm phẫn, lên án.
Ở tỉnh Bạc Liêu có nhiều công trình mang tên người nữ anh hùng cách mạng như: Trường THPT Lê Thị Riêng tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, công viên Lê Thị Riêng tại Trà Kha phường 8, Thành phố Bạc Liêu.
Việc đề xuất thành lập giải thưởng Lê Thị Riêng nhằm kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tốt, phát huy tinh thần “Sáng tạo, trí tuệ”, “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cổ vũ động viên khuyến khích CB, hội viên và phong trào phụ nữ phấn đấu vươn lên đỉnh cao CNH, HĐH trong thời kỳ mới, đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Minh Huấn (Ban DVTU)