Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2021. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu tập trung chỉ đạo cho các cấp Hội bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ, tích cực vận động phụ nữ đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo là chủ hộ, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, “Xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”... Các phong trào được nhiều hội viên, phụ nữ hưởng ứng tích cực với mục đích là tương trợ, giúp nhau ngày công, cây giống, con giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn. Đồng thời, Hội cũng xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi, sinh hoạt chuyên đề nhằm tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và của địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, nông thôn mới đến tận 100% cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh.
Để hoạt động của Hội LHPN trong vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả. Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện kế hoạch Đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010 - 2015” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025” bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là sự kết nối giữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tư vấn nghề với việc hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể; qua đó tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ sản xuất nhỏ. Hàng năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm gần 2000 lao động nữ; tổ chức 25 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề; tạo việc làm sau học nghề cho gần 70%lao động tham gia; vận động xây dựng và thành lập trên 20 mô hình kinh tế; hỗ trợ trên 30 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp... Thông qua các hoạt động này hàng năm Hội đã giúp trên 200 phụ nữ nghèo là chủ hộ được thoát nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Hội LHPN tỉnh luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ vốn vay với tổ chức tập huấn nghề, kỷ năng kinh doanh có sự đóng góp của nữ chủ doanh nghiệp; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các mô hình phát triển kinh tế. Thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp là đầu mối và cũng là nơi đào tạo, tư vấn giải quyết việc làm trên tất cả các lĩnh vực như bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, các cấp Hội đã xây dựng và duy trì nhân rộng các mô hình tổ, nhóm liên kết và đến nay Hội thành lập 06 được hợp tác xã, 23 tổ hợp tác với trên 1.372 thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tạo điều kiện ký kết nhận ủy thác đứng ra tín chấp với một số ngân hàng trong tỉnh, đặc biệt là Ngân hàng chính sách xã hội; đến nay đã giúp cho gần 27 ngàn lượt hội viên phụ nữ vay vốn, với tổng số tiền trên 500 tỷ đồng. Có thể nói đây là một kênh vay vốn thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo được các cấp Hội ngày càng quan tâm, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, coi trọng phát huy nội lực của phụ nữ để giảm nghèo bền vững. Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” ngày càng đi vào chiều sâu cùng các cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương, thực hành tiết kiệm theo gương Bác, hủ gạo tiết kiệm, nuôi heo đất tiết kiệm, tặng vườn cây, ao cá, tặng cây, con giống, phân công cán bộ hội; hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo, trao phương tiện sản xuất, hỗ trợ vốn không tính lãi... được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh với tinh thần tương thân tương ái đã tạo nên nguồn nội lực, tinh thần to lớn cho chị em.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội LHPN tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới như: Một số cơ sở Hội chưa lựa chọn nội dung trọng tâm để chỉ đạo, vận động phụ nữ tham gia; năng lực chuyên môn, kỹ năng vận động phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; một số mô hình chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương và chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ ở khu vực nông thôn; một số Công ty, Doanh nghiệp chưa vào cuộc quyết liệt trong quá trình liên kết với người dân nên ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân; nguồn lực để các cấp Hội triển khai các hoạt động khó khăn, chủ yếu lồng ghép từ các chương trình, dự án nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động...
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tư vấn giúp phụ nữ phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh...
- Triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, giai đoạn 2017 - 2025, tìm ý tưởng hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và tổ chức các hoạt động giúp cho hội viên phụ nữ sáng tạo trong sản xuất kinh doanh hiệu quả.
- Tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng, mở rộng các loại hình hoạt động tín dụng giúp phụ nữ giảm nghèo hiệu quả, bền vững; đồng thời quản lý chặt chẽ và có hiệu quả các nguồn vốn; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm theo hướng sinh hoạt lồng ghép; gắn việc cho vay vốn với hướng dẫn khoa học kỹ thuật, kiến thức sử dụng vốn có hiệu quả và thực hành tiết kiệm để tăng hiệu quả sử dụng vốn.
- Tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ vùng nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho phụ nữ, chú trọng công tác giới thiệu và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ xây dựng mô hình sau dạy nghề; kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nữ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm.
- Tiếp tục các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ thông qua hỗ trợ việc làm bền vững và tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội.
- Triển khai mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã cho đội ngũ cán bộ quản lý.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất; nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường.
TRẦN THỊ BÍCH TUYỀN – HỘI LHPN TỈNH