null Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng của Hội LHPN huyện Phước Long mang lại nhiều kết quả thiết thực

Tin hoạt động
Thứ hai, 25/09/2017, 10:06
Màu chữ Cỡ chữ
Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng của Hội LHPN huyện Phước Long mang lại nhiều kết quả thiết thực

 

Ốc bươu vàng là loài bị nông dân tìm mọi cách để tiêu diệt mỗi khi vào đầu vụ lúa, bởi chúng cắn phá và làm giảm năng suất lúa của nông dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính loài ốc này đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân trong ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông vào mùa nước nỗi. Đa số người dân trong ấp là đồng bào dân tộc Khmer, có ít đất sản xuất, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Hội LHPN huyện Phước Long đã thành lập “Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng” để tập hợp và phát động chị em đi bắt ốc để bán ốc thịt, nhất là Tổ sẽ liên kết với các chủ thu mua, để tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho chị em. Nhờ đó, đa số chị em trong tổ có nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, đa số nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Phú Đông không sạ lúa vụ 3, mà để cho đất nghỉ, đến khoảng tháng 10 thì gieo sạ vụ lúa đông xuân. Hiện nay, mực nước ở các cánh đồng dâng cao, cũng là lúc ốc bươu vàng sinh sôi và phát triển. Chính vì vậy, “Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng” đã phát động chị em cùng nhau ra đồng bắt ốc, sau đó đem về luộc, lể lấy phần thịt, cắt bỏ ruột và bao tử ốc, để bán cho thương lái. Được biết, cứ khoảng 6 giờ chiều, là gia đình chị Lâm Thị Hoàng và chị Thị Mượng cùng các chị em khác, mang theo đèn pin, dợt, thùng đựng và bơi xuồng đi ra đồng bắt ốc, chỉ sau 3 đến 4 giờ đồng hồ thì trở về nhà. Bình quân, mỗi đêm, mỗi gia đình bắt được từ 60 đến 100 ký ốc con, và thu được khoảng 20 đến 40 ký ốc thịt. 1 ký ốc thịt được thương lái đến tận nhà để thu mua với giá khoảng 13 ngàn đồng, như vậy, mỗi ngày các chị có thêm thu nhập từ 300 đến 600 ngàn đồng, nguồn thu nhâp nhiều hay ít là tùy thuộc vào lượng ốc có trên đồng ruộng. Ngoài ra, các chị còn tận dụng phần ruột và trứng ốc để làm thức ăn tự nhiên cho vịt, cá, để ít tốn chi phí thức ăn trong chăn nuôi và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị Lâm Thị Hoàng và chị Thị Mượng, là thành viên trong “Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng” cho biết, nhờ việc bắt ốc bươu vàng này mà gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, do không tốn chi phí, chỉ tốn công đi bắt, sau đó đem về nhà luộc và lể lấy thịt ốc và bán. Ngoài ra, còn góp phần tiêu diệt ốc, để chúng không cắn phá lúa vào vụ đông xuân tiếp theo.
Qua 5 năm hoạt động, Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng của Hội LHPN huyện Phước Long đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp chị em có thêm nguồn thu nhập ổn định, và góp phần tiêu diệt được loài ốc gây hại trong vụ lúa tiếp theo, giúp bà con nông dân đỡ tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại cho lúa. Chị Trương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Long cho biết, trong quá trình hoạt động “Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng” của huyện cũng thường xuyên họp tổ, tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do Hội cấp trên phát động, nhất là không ngừng tăng gia lao động để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, với công việc bắt ốc bươu vàng này thì giúp các chị có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này nhằm thu hút đông đảo chị em trên địa bàn ấp tham gia.
Mỗi ngày, các thương lái thu mua từ 2 đến 3 tấn ốc thịt của bà con trong ấp, thiết nghĩ, nếu không có việc bắt ốc của các chị trong “Tổ phụ nữ diệt ốc bươu vàng” và nông dân trong ấp, thì lượng ốc rất lớn như thế này sẽ tiếp tục sinh sôi và phát triển, đây là mối nguy hại cho bà con nông dân. Chính vì vậy, việc bắt ốc bươu vàng là phương pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa có thể tận diệt loài sinh vật gây hại cho lúa, mà còn tạo công ăn, việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Tuy nhiên, ngành chức năng huyện Phước Long cũng khuyến cáo nông dân không nên thấy lợi nhuận trước mắt mà thả nuôi loài vật này, bởi chúng là loài vật gây hại rất lớn cho cây lúa và rất khó tiêu diệt.
 
                                      Thanh Nhanh- Văn Gõ (Đài truyền thanh huyện PL)

Số lượt xem: 304

Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823895 - Fax: 029113. 922696