Điều 26 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Căn cứ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phụ nữ Việt Nam được xác định có những quyền sau khi tham gia vào lĩnh vực chính trị.
Quyền được bầu cử, ứng cử:
- Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định(Điều 27 Hiến pháp)
- Phụ nữ được tham gia bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý, được quyền ứng cử vào tất cả các cơ quan dân cử; Được tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách của chính phủ, tham gia các chức vụ công và thực hiện tất cả những chức năng công ở mọi cấp chính quyền; Tham gia vào các tổ chức xã hội và hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời sống công cộng và chính trị của đất nước (Điều 7 Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - CEDAW).
- Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. (Khoản 3, Điều 8 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân)
- Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương; (Khoản 2 Điều 9 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân)
- Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân… (Khoản 3 Điều 11 Luật Bình đẳng giới).
Thảo Vy
(Còn tiếp
Phần sau: Quyền được tham gia quản lý Nhà nước và xã hội)