Thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chương trình số 22-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII), Chương trình số 29-CTr/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa X) và sau khi có Kết luận số 55-KL/TW, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thông qua đó nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ trong xã được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Lộc Ninh là một xã thuần nông của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, với diện tích tự nhiên là 5.029,3 ha, diện tích sản xuất nông nghiệp 3.871 ha, chủ yếu là sản xuất theo mô hình 02 vụ tôm 01 vụ lúa; toàn xã có 3.092 hộ với 12.998 khẩu; có 03 dân tộc kinh, hoa, khmer sống đan xen với nhau. Trong đó: dân tộc Khmer chiếm 30,87%, hộ nghèo của xã còn cao 631 hộ chiếm tỷ lệ 20,4%, một bộ phận nhân dân phải đi lao động ngoài tỉnh, phần lớn là trình độ thấp và thiếu đất sản xuất.
Thông qua hoạt động thực tiễn trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội của xã ngày càng được nâng lên. Công tác gia đình ngày càng được quan tâm. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể. Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến về chất lượng và số lượng; có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm, luôn vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao. Công tác phụ vận tiếp tục đạt nhiều kết quả, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lộc Ninh đã tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức Hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể với phụ nữ, bộ máy tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng cán bộ được nâng lên; tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức Hội, tham gia các hoạt động của Hội ngày càng tăng.
Điều đáng ghi nhận, đã qua UBND xã thường xuyên chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò hoạt động của “Bạn vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới” triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án... phát huy vai trò nòng cốt Hội LHPN xã phối hợp tổ chức tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân & gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Lao động và các văn bản pháp luật mới ban hành, có hàng chục ngàn lượt người tham dự. Nhân các ngày lễ lớn: ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10 và ngày Phụ nữ Việt Nam hàng năm… Hội đều được tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tổ nhóm nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ về bình đẳng giới, đồng thời phát động phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với rèn luyện 4 chuẩn mực “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhiều phụ nữ đã khắc phục được tư tưởng tự ti, an phận và nêu cao được tinh thần tự chủ, vượt khó vươn lên của chị em phụ nữ trong xã từ đó đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và góp phần tích cực tạo điều kiện xây dựng môi trường thuận lợi để phụ nữ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các chương trình, mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, cùng những vấn đề liên quan đến phụ nữ ở địa phương. Nhất là các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, hướng dẫn, ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất - kinh doanh, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, nhằm nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của phụ nữ như: giám sát chế độ bảo hiểm xã hội cho nữ cán bộ chuyên trách trên địa bàn xã, thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, hỗ trợ tết cho các gia đình chính sách, người có công cách mạng, cán bộ hưu trí, cán bộ cơ sở, hộ nghèo; giám sát chính sách vay vốn của Ngân hàng Chính sách – Xã hội…
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xã rất quan tâm xây dựng mô hình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc’’ trên địa bàn toàn xã, xây dựng chân dung người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”; tuyên truyền các kiến thức về dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh, hưởng ứng tích cực Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng Câu lạc bộ “Bình đẳng giới”, “Không sinh con thứ 3”, “Phụ nữ dân tộc Khmer nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ và đường thủy nội địa” thu hút nhiều hội viên tham gia.
Điểm nổi bật trong thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ Lộc Ninh phát động phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” đến cán bộ và hội viên phụ nữ hàng năm; tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 685 lao động; mở được 17 lớp dạy nghề chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, có 280 học viên tham gia, giới thiệu 186 chị có việc làm. Từ việc đào tạo nghề, Hội đã vận động thành lập và nhân rộng được các mô hình như: mô hình "Trồng rau màu trên bờ vuông", tổ "Phụ nữ không để đất trống" thành lập 30 tổ hùn vốn, có 552 thành viên với số vốn huy động 197.000.000 đồng; vận động xây dựng 32 căn nhà nghĩa tình, nhà đồng đội và mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ già yếu, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 800 triệu đồng và tặng 18 xuất học bổng, tổng số tiền trên 14,5 triệu đồng.
Nhận thức được trách nhiệm của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh, của huyện, cũng như nhiệm vụ của địa phương; thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ hội và củng cố nâng cao chất lượng của hội viên; quan tâm phát triển hội viên là dân tộc, tôn giáo, nữ thanh niên. Kết quả đã phát triển được 1.185 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện nay là 1.904 (trong đó, có 761 hội viên nòng cốt); 100% chi, tổ có lực lượng nòng cốt; 88,8% chi hội vững mạnh, 11,2% chi hội khá, không có chi hội trung bình, yếu. Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đều được cấp trên công nhận đạt danh hiệu vững mạnh. Được sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chăm lo thực hiện tốt các chính sách đối với phụ nữ; tạo điều kiện trong các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất, tạo điều kiện phát triển về đời sống văn hóa vật chất tinh thần, tạo động lực cho Hội Liên hiệp phụ nữ và phong trào phụ nữ xã Lộc Ninh vươn lên từ khó khăn thật sự từng bước trưởng thành tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mới.
(LAN NGỌC – Ban Dân vận Tỉnh ủy)