Ngày 8 tháng 3 - Ngày Quốc tế phụ nữ, là thành quả về cuộc đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Và chính phụ nữ là những người làm nên ngày 8 tháng 3 lịch sử. Để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ. Ngày 8/3/1857, công nhân xưởng may ở New York tuần hành yêu cầu nâng cao chất lượng làm việc: giảm giờ làm và những yêu cầu về quyền lợi cho phụ nữ. Lực lượng biểu tình này đã bị cảnh sát đàn áp. Còn các sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến ngày 8/3 như: cuộc đấu tranh lớn vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 2/1917, phụ nữ Nga khởi động cuộc đấu tranh “bánh mì và hòa bình” nhằm tưởng nhớ sự hy sinh của 2 triệu binh lính Nga tử trận trong chiến tranh. Cuộc đấu tranh kéo dài cho đến tận 4 ngày sau đã khiến Nga hoàng phải thoái vị và chính phủ lâm thời được thành lập đã công nhận quyền bầu cử của nữ giới. Ngày khởi đầu cuộc đấu tranh là chủ nhật 23/2 (theo lịch Nga) và là ngày 8/3 (lịch công giáo). Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng tháng Mười Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử.
Và ngày này cách đây 109 năm (1910), tại hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8/3/1910 ở Copenhagen (Đanh Mạch), có 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 quốc gia khác nhau tham dự hội nghị, đứng đầu là nhà hoạt động xã hội người Đức - Bà Clara Zetkin đã nhất trí đề nghị kỷ niệm một cách chính thức ngày Quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới vì bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ. Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày này như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới. Và từ đó, ngày 8 tháng 3 hàng năm đã trở thành ngày hội của phụ nữ trên toàn thế giới.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn gắn liến với ngày kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng – 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đánh đuổi ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Đó là bằng chứng lịch sử hùng hồn chứng minh cho ý thức độc lập tử chủ của dân tộc Việt Nam. Chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng Mê Linh, trong đó Trưng Trắc, thư tịch cổ Trung Quốc chép là người “hùng dũng”, “can đảm”. Căm giận trước chính sách tàn bạo của chính quyền cai trị phương Bắc tại Giao Chỉ, kết hợp với mối thù chồng, cuối năm 39 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã tập hợp lực lượng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tổ chức Hội thề ở vùng cửa sông Hát (nay là Hát Môn, Phú Thọ, Hà Nội) với tôn chỉ:
Một xin rửa sạch nước nhà
Hai xin lập lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này
Các tầng lớp cư dân của Giao Chỉ đương thời như Nhật Nam, Cửu Chân tích cực hưởng ứng. Chỉ một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa lan rộng và phát triển mạnh mẽ đến tận các vùng phía nam Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, thu phục được 65 thành tại Lĩnh ngoại, làm chủ được hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Các sử gia đã viết những dòng ca ngợi đầy tự hào về võ công của cuộc khởi nghĩa: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Hợp Phố (Quảng Đông – Trung Quốc) và 65 thành trì đều hưởng ứng. Việc dựng nước và xưng Vương dễ như trở bàn tay”.
Sau khi giành thắng lợi, Hai Bà Trưng đã “tự lập làm Vua, đóng đô ở Mê Linh” và thành lập một chính quyền tự chủ do người Việt lãnh đạo.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo khởi nghĩa là phụ nữ và người xưng Vương dựng nước cũng là phụ nữ. Chưa một dân tộc nào, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như phụ nữ Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là kết quả rực rỡ của phong trào đấu tranh rộng rãi của toàn dân ta, là sự thể hiện đẹp đẽ của lòng yêu nước, của ý chí độc lập, của tinh thần đoàn kết dân tộc vì mục đích cao cả là đuổi giặc cứu nước, trả thù nhà. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã chứng minh vai trò, khả năng to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, là một dấu son sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước thần kỳ của Việt Nam. Ý thức độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên con đường hình thành, phát triển đã được tôi luyện và trưởng thành mà khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một trong những thử thách khốc liệt nhất. Tinh thần quật cường, bất khuất mãi được tiếp nối và âm ĩ nung nấu trong lòng mỗi con dân Việt, để rồi có dịp bùng lên, biến thành bão tấp quét sạch ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc, khai sáng kỷ nguyên độc lập, tự chủ của Việt Nam đầu thứ kỷ X.
Một trong những nét đặc sắc nữa của cuộc khởi nghĩa là sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ yêu nước, trong đó xuất hiện nhiều nữ tướng tài giỏi được suy tôn là anh hùng dân tộc. Đó là bằng chứng về sức mạnh to lớn và khả năng dồi dào của phụ nữ. Mặc dù cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chỉ giành thắng lợi trong thời gian có 3 năm nhưng bản anh hùng ca ấy đời đời bất diệt mở đầu trang sử oanh liệt về truyền thống kiên cường chống ngoại xâm của dân tộc ta, không những biểu thị được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn nói lên khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước.
Để xứng đáng với ý chí đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới giành quyền bình đẳng mà điểm mốc là ngày 8/3 bất diệt và tinh thần hào khí anh dũng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong từng giai đoạn cách mạng với vai trò nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ Bạc Liêu đã vượt qua bao khó khăn thử thách mới của cơ chế thị trường, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác và tổ chức tốt cuộc sống gia đình.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Hội LHPN Bạc Liêu đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức hướng dẫn và vận động phụ nữ tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đạt được những thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời đảm đang lo toan cuộc sống gia đình, nuôi dạy con góp phần quan trọng xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới của tỉnh. Từ trong các lĩnh vực lao động sản xuất, công tác, từ phong trào hành động cách mạng rộng lớn của phụ nữ đã xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, những tấm gương điển hình tiên tiến trong các tầng lớp phụ nữ.
Những thành tích đóng góp của các tầng lớp phụ nữ ngày hôm nay là sự tiếp nối truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, và ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, các tầng lớp phụ nữ Bạc Liêu đã thể hiện sự quyết tâm rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với thực hiện “Gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các tầng lớp phụ nữ không ngừng phát huy vai trò, năng lực của mình trên các lĩnh vực, dù các chị là nông dân, tiểu thương, công nhân hay cán bộ quản lý đều là những người lao động cần cù, năng động, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, đạt năng suất, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân. Đặc biệt, dù trong hoàn cảnh nào chị em vẫn làm tròn thiên chức người vợ, làm mẹ, luôn chăm lo đời sống vật chất tinh thần, là trung tâm tình cảm gắn kết các thành viên trong gia đình. Bên cạnh việc tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan các chị còn là người vợ chung thủy, nhân hậu, vị tha, biết chia sẽ những niềm vui, nổi buồn với người bạn đời của mình, sẵn sàng gánh vác những nổi cực nhọc lo toan trong gia đình để chồng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong mối quan hệ xã hội, các chị luôn quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng, luôn đoàn kết giúp đỡ, chia sẽ với những người gặp hoàn cảnh khó khăn… Những thành quả mà tỉnh nhà đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội năm qua đều có sự đóng góp to lớn của chị em phụ nữ. Và thời gian tới, phụ nữ chúng ta sẽ phải phấn đấu nhiều hơn nữa cùng với nhân dân trong tỉnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, nâng cao đời sống cho phụ nữ và nhân dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”
Với truyền thống năng động, sáng tạo, đảm đang của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Bạc Liêu nói riêng trong thời kỳ đổi mới, chúng ta hãy tự tin vượt qua khó khăn, thách thức để vươn tới tương lai, thực hiện bình đẳng giới và tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cục học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với “Họ tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời thể hiện hành động thiết thực lập thành tích chào mừng 109 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đó là những đóng góp tích cực của phụ nữ Bạc Liêu trên con đường đấu tranh cho sự bình đẳng phát triển và hòa bình của phụ nữ trên toàn thế giới.
Ban Tuyên giáo – Hội LHPN tỉnh