Huyện Hòa Bình có 8 xã, thị trấn với tổng số 29.187 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Đời sống của hội viên phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi gây ra các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và sản xuất làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân nói chung trong đó có phụ nữ. Tuy nhiên, các tầng lớp phụ nữ trong huyện luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; tập hợp, đoàn kết, vận động, phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời trên cơ sở thực hiện kế hoạch số 17 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về “Xây dựng mỗi đảng viên là tuyên truyền viên hạt nhân ở cơ sở; xây dựng mỗi đoàn viên, hội viên thành lực lượng tuyên truyền viên xung kích ở cơ sở”. Trong năm 2017, các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, năng động, sáng tạo, tích cực tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tích cực học tập, rèn luyện, làm theo Bác; hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rèn luyện 4 chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tạo ra nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đều khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Thông qua các phong trào của Hội như: “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ”; các cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”, “Xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”, “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” v.v… giúp phụ nữ giảm nghèo bền vững. Từ đó đã tạo được niềm tin trong các tầng lớp phụ nữ và thu hút được nhiều chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội.
Trên cơ sở các phong trào trên, Hội phụ nữ huyện Hòa Bình còn tổ chức xây dựng được nhiều mô hình hay, mang tính thiết thực nhằm phát huy được sức mạnh và tinh thần đoàn kết, tập hợp phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ những mô hình mang tính chất tuyên truyền, giáo dục như: “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Phụ nữ với an toàn giao thông”; tuyên truyền, quản lý người thân không vi phạm pháp luật với mô hình “Phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật”; mô hình “Nữ tôn giáo phòng chống tội phạm”; thông qua các loại hình câu lạc bộ như: câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”; câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”; câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; tổ phụ nữ “Dạy chữ cho phụ nữ dân tộc nghèo”; câu lạc bộ “Phụ nữ xách giỏ nhựa đi chợ”; tổ “Phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ “Phụ nữ dân tộc tiến bộ tham gia bảo vệ môi trường”; câu lạc bộ “Tư vấn sức khỏe sinh sản” v.v…được Hội phụ nữ đặc biệt quan tâm và luôn đổi mới, đồng thời Hội đã duy trì và nhân rộng có hiệu quả và phải kể đến đó là mô hình tuyên truyền bằng hình thức “Sân khấu hóa” của phụ nữ xã Vĩnh Hậu A. Đặc biệt trong năm 2017, Hội phụ nữ huyện Hòa Bình tiếp tục phát động sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với 13 tiêu chí xây dựng hộ gia đình nông thôn mới – đô thị văn minh. Kết quả đã tuyên truyền cho trên 12 ngàn lượt cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ, thông qua đó có 10.679/12.793 hộ hội viên, phụ nữ nắm vững các tiêu chí của cuộc vận động và có 1.287 hộ gia đình thực hiện đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động này. Ngoài ra, các xã, thị trấn còn duy trì và nâng cao chất lượng của 55 địa chỉ tiên cậy tại cộng đồng dân cư, góc thành viên tư vấn pháp luật và đến nay đã hỗ trợ giúp đỡ 33 trường hợp bị bạo gia đình góp phần trực tiếp góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Bên cạnh các mô hình mang tính giáo dục, Hội các cấp còn vận động tổ chức thành lập các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế ổn định cuộc sống nhằm làm cho chị em thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó chị em càng gắn bó hơn với Hội, đó là những câu lạc bộ, tổ phụ nữ “Phụ nữ dân tộc tự sản, tự tiêu”; “Phụ nữ tận dụng đất trống trồng màu”; “Dịch vụ dặm lúa”; “Hỗ trợ mua sắm vật dụng trong gia đình”; “Phụ nữ trồng hàng rào cây xanh”; “Phụ nữ làm hố rác”; “Phụ nữ vá lưới”; “Phụ nữ không có nợ quá hạn”; “Đan thảm” ; “Phụ nữ tiết kiệm điện”… Thành lập mới và duy trì các tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm; tổ nuôi heo đất, tổ hủ gạo tình thương; câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác từ thiện”… có thể khẳng định rằng, qua các phong trào tiết kiệm đã đem lại hiệu quả thiết thực không chỉ vận động được nhiều hội viên phụ nữ tham gia mà còn góp phần hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
(Ảnh: Hồng Đào)
Nhìn chung, các mô hình có hiệu quả từ trong hoạt động của Hội phụ nữ huyện Hòa Bình thời gian qua đã làm cho uy tín của Hội ngày càng được nâng lên. Cùng với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”, Hội phụ nữ huyện Hòa Bình đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp các tầng lớp phụ nữ. Đến nay, toàn huyện có nhiều loại hình tập hợp phụ nữ theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp với trên 200 mô hình, thu hút 12.793 thành viên tham gia. Góp phần nâng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi trở thành hội viên phụ nữ là 43%.
Tường Vy