Việc thu hút hội viên và nâng cao chất lượng tổ chức Hội là nhân tố quyết định của phong trào phụ nữ. Các cấp Hội Phụ nữ thị xã Giá Rai đã thực hiện nhiều cách làm, nhằm tập hợp hội viên, phụ nữ - trong đó giải pháp quan trọng là xây dựng và triển khai có hiệu quả các câu lạc bộ và mô hình hoạt động.
Thị xã hiện có 11.554 hội viên, chiếm 50,97% trong tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Cuộc sống của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng ở nơi đây cũng còn nhiều khó khăn nhất định; họ sống chủ yếu với nghề nông và nuôi trồng thủy sản; một bộ phận phụ nữ đã bỏ địa phương đi làm ăn xa. Vì vậy xác định để thu hút chị em tham gia sinh hoạt, Hội cần có nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, một trong những hoạt động được Hội chú trọng là quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Theo đó, Hội phụ nữ thị xã đã có nhiều giải pháp tích cực như: xây dựng mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; đẩy mạnh phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay; nhân rộng các mô hình kinh tế; chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ... Hiện tại, thị xã có 10/10 xã, phường đều có nhận ủy thác với ngân hàng CSXH với 4.025 hộ hội viên; 1.103 hội viên được vay vốn tín chấp với hình thức trả góp hàng ngày từ ngân hàng Đông Á, ngân hàng Liên Việt và Quỹ tín dụng nhân dân để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm khuyến nông – khuyến công mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, chủ yếu trồng lúa và chăn nuôi. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế. Tiêu biểu như mô hình thu mua tôm, cá của chị Trần Ánh Đông (xã Phong Thạnh A) trừ chi phí thu nhập hàng tháng trên 5.000.000 đồng; mô hình chăn nuôi của chị Phan Minh Hiền (xã Phong Thạnh Tây), chị Nguyễn Kim Thoa (phường Hộ Phòng); mô hình trồng rau màu của chị Khấu Tuyết Em, chị Dương Thị Vẹn trừ chi phí thu nhập hàng tháng trên 3.000.000 đồng. Tại xã Phong Tân, có mô hình “Tổ phụ nữ 4 an” đã thu hút trên 600 chị hội viên phụ nữ tham gia, là nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội và công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Duy trì 13 câu lạc bộ “5 không 3 sạch” có 249 thành viên; vận động hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu như: tuyến đường trồng hoa huệ, trồng bông mười giờ, trồng bông chiều tím v.v…; tuyên truyền, vận động chị em trồng rau sạch, rau an toàn bằng cách thực hiện mô hình ủ rác hữu cơ thành phân compost góp phần cho việc trồng rau màu của chị em đem lại hiệu quả cao. Các thành viên trong CLB luôn tích cực tuyên truyền, vận động chị em tự giác giữ gìn vệ sinh trong các gia đình, tham gia dọn vệ sinh trong các thôn, xóm và nơi công cộng, đảm bảo môi trường trong lành. Hoạt động của CLB đã phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, góp phần làm cho môi trường trên địa bàn xã ngày càng xanh, sạch, đẹp.
 |
Một buổi sinh hoạt tổ phụ nữ
|
Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội. Theo đó LHPN thị xã phát động mỗi tổ chức Hội cơ sở xây dựng một mô hình mới, cách làm hay về tập hợp, thu hút hội viên. Đến nay, toàn thị xã có hàng chục mô hình tập hợp hội viên thu hút đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt hội theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Tiêu biểu như mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”; câu lạc bộ “Mẹ an toàn, con khỏe ngoan”; câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa”; câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc tương trợ vì sức khỏe”; tổ “Phụ nữ gây quỹ vì người nghèo”; tổ “Phụ nữ với công tác từ thiện”; tổ “Phục vụ hiếu hỷ”; tổ “Phụ nữ mua bán tại chợ đêm”; tổ “Phụ nữ mua bán văn minh, lịch thiệp”; tổ hợp tác “Đan lưới” v.v… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế, đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, qua đó chị em thấy được lợi ích khi tham gia vào tổ chức Hội. Các cấp Hội phụ nữ thị xã thời gian qua còn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực tế cho thấy, nơi nào có đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, có kinh nghiệm, nơi đó sẽ xây dựng được các chương trình hoạt động hấp dẫn, thiết thực, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của chị em. Hội đưa 14 cán bộ đi tập huấn công tác Hội tại tỉnh và cử 56 chị là chi hội trưởng phụ nữ các xã phường tham gia tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, và chương trình sử dụng nước uống an toàn cho người dân; đưa 18 chị tham gia lớp khởi sự doanh nghiệp do Hội LHPN tỉnh mở. Ngoài ra giới thiệu 34 chị tham gia học lớp giới thiệu cơ hội nghề nghiệp, nhằm giúp cho chị em phụ nữ hiểu biết thêm về kiến thức, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, đến nay, các cấp Hội đã vận động tập hợp được trên 50% phụ nữ vào Hội; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên trong các kỳ đạt từ 63-65,5%.
Để tiếp tục thu hút tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, cùng với việc chỉ đạo các chi hội đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ Bạc Liêu chung tay xây dựng NTM” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, các cấp Hội tăng cường khai thác các nguồn vốn, các chương trình dự án cho hội viên vay, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội.
Thanh Văn