Từ khi phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động và triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Trong đó, nổi bật vai trò của Hội LHPN về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, thể hiện hiệu quả tham mưu, chỉ đạo của hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Công tác dân vận hiện nay đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “ngày Dân vận khéo”, đội ngũ cán bộ Hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả lời dạy của Bác Hồ: cán bộ Dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Thực hiện tốt quan điểm “Gần dân, hiểu dân, trọng dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, cán bộ Hội phụ nữ các cấp xem việc của dân như chính việc của bản thân mình. Thông qua việc phát động phong trào thi đua đã phát huy được quyền làm chủ của hội viên và nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, Hội Phụ nữ là chổ dựa cho phụ nữ, đóng góp sức người, sức của tập trung thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Qua triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”rất thành công trong xây dựng các mô hình, điển hình, chọn lựa các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn nhanh chóng triển khai các chủ đề, chủ điểm hoạt động đạt nhiều thành tích rất đáng kể. Từ thực tiễn công tác của mình Hội Phụ nữ thành phố Bạc Liêu đã rút ra được một số kinh nghiệm quý báu nhằm tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua dân vận khéo trong thời gian sắp tới đạt kết quả cao hơn.
Một là, phong trào phải được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò hạt nhân nòng cốt của cán bộ Hội các cấp, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động.
Hai là, khi xây dựng mô hình phải giải quyết có hiệu quả, hài hòa các lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải nêu cao tinh thần gương mẫu, gần dân, sát dân với phương châm “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có như vậy mới thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân.
Ba là, nội dung “Dân vận khéo”của Hội phải bám sát nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo, hình thức vận động cần linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực, từng đối tượng cụ thể. Mặt khác, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua, các cuộc vận động; khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nội dung các phong trào thi đua và các cuộc vận động khác.
Bốn là, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”của Hội Phụ nữ phải đa dạng và xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Phải quan tâm đến công tác tuyên truyền để phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các mô hình được duy trì và nhân ra diện rộng.
Năm là, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, phải thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tiêu chí thi đua; trong kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm để uốn nắn, định hướng cho phong trào trong từng thời gian, nhất là chọn và xây dựng được các mô hình, điển hình, đánh giá hiệu quả từng mô hình, điển hình trước khi nhân diện rộng.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo”của Hội tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa và bền vững.Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ thành phố cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cụ thể:
Một là, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Dân vận, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Dân vận trong tình hình hiện nay. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo tinh thần Chị thị 37 của BTV Tỉnh ủy với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các phong trào thi đua yêu nước của mỗi địa phương, đơn vị.
Hai là, tích cực chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó cần lựa chọn nội dung cụ thể, phương thức, cách làm phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị, tập trung hướng vào các nhiệm vụ như: đẩy mạnh sản xuất, phát triển du lịch; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công tác giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh…
Ba là, quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Chú trọng nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt; nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
Bốn là, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, trong các khu dự án, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Năm là, hệ thống cán bộ Hội làm công tác Dân vận tăng cường nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn phong trào thi đua “Dân vận khéo”, định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình.Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.
MINH HUẤN (BDV TU)