Ấp Kinh Lớn là xã vùng sâu, cuộc sống của người dân trong đó có chị em phụ nữ còn không ít khó khăn; giao thông nhiều nơi trong mùa mưa phải xắn quần lội. Nhưng một bộ phận phụ nữ nơi đây không cam chịu, đã tự biết tìm cách vươn lên với nhiều hình thức như: nuôi tôm, nuôi cua. Nhưng với diện tích đất không nhiều và mấy năm qua lại không được thuận mùa, tôm, cua thất liên miên. Ở vùng đất quanh năm nước mặn này, các chị suy nghĩ và tìm cho mình một cách mới, đó là nuôi vịt xiêm. Ban đầu chỉ có một vài hộ nuôi thử với hình thức tự phát, mỗi hộ từ 10 – 15 con; vì vịt xiêm dễ nuôi, kháng bệnh tốt, ít bệnh tật, lại tăng trưởng nhanh; môi trường nuôi thì thích hợp với nhiều loại nước, và các chị yên tâm nuôi trên cạn, không cần phải có ao để cho đàn vịt bơi lội. Qua thời gian, thấy việc nuôi vịt xiêm của chị em phát triển tốt, đem lại thu nhập khá cho chị em. Hội phụ nữ ấp Kinh Lớn quyết định tập hợp những hộ đang nuôi vịt lại thành 1 tổ với tên gọi “Mô hình phụ nữ nuôi vịt xiêm”. Mỗi chị, trong nhà đã có từ 35 – 50 con vịt. Sau 4 tháng nuôi, xuất bán cho thương lái, trừ chi phí các chị còn lãi hơn 2.000.000 đồng.
 |
Phụ nữ tổ 2 ấp Kinh Lớn hùn vốn giúp hội viên nghèo
|
Thông qua mô hình này, Chi Hội phụ nữ ấp Kinh Lớn đã tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các chủ trương, chích sách của Đảng, Nhà nước và phong trào thi đua của Hội như: phong trào “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… Từ lúc ban đầu tổ chỉ có 5 – 10 chị, đến nay tổ đã có 24 chị tham gia và trở thành những hội viên tích cực, gương mẫu của Chi hội phụ nữ ấp. Điển hình như chị Huỳnh Thị Như, chị Lý Thị Lâm, chị Đặng Thị Chín, chị Nguyễn Thị Khuông v.v…. và còn nhiều chị nữa.
Không chỉ dừng lại ở việc tự biết làm kinh tế để phát triển cuộc sống gia đình mình. Các chị còn tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào của Hội và địa phương phát động với nhiều hình thức như: thành lập tổ hùn vốn 100.000 đồng/người giúp xoay vòng cho 01 chị có hoàn cảnh khó khăn trong tổ; xây dựng quỹ tổ mỗi chị là 5.000đ/tháng để thăm hỏi khi hội viên trong tổ có ốm đau, bệnh hoạn; đóng góp mỗi chị là 20.000 đồng để xây dựng “Mái ấm tình thương” do Hội cấp trên phát động… Đặc biệt gần đây, các chị còn tham gia chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đóng góp mỗi chị từ 3.000 – 10.000 đồng.
Hy vọng với phong trào này, Chi hội phụ nữ ấp Kinh Lớn xã Tân Thạnh sẽ thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội và có những hội viên nghèo sẽ tự tin tìm cho mình những cách làm hay để góp phần ổn định cuộc sống và cùng với địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Thanh Văn