null Một hội viên phụ nữ có nghị lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo

Gương phụ nữ tiêu biểu
Thứ sáu, 01/09/2017, 15:25
Màu chữ Cỡ chữ
Một hội viên phụ nữ có nghị lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo

Lập nghiệp ban đầu với 4 công đất ruộng, gia đình lại đông con, lúc bấy giờ đất bị lung, trũng, năng suất đạt không cao. Ngoài 4 công đất ruộng, gia đình bà Phạm Thị Út, ở ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông còn duy trì nghề đan đát truyền thống, do sản phẩm làm ra lại thấp, gia đình bà Út gặp rất nhiều khó khăn. Song, nhờ chí thú làm ăn, chi xài tiết kiệm, gia đình bà đã vươn lên ổn định cuộc sống và trở thành tấm gương cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong xã noi theo.

 

Được biết, do làm ruộng không đạt năng suất và lợi nhuận cao, nên đời sống chủ yếu của gia đình bà Út là nhờ nguồn thu nhập từ việc đan cần xé và mê bồ để bán. Tuy nhiên, vài năm trước các mặt hàng nhựa gia dụng được nhiều người ưa dùng, nên các mặt hàng đan đát của gia đình bà Út cũng như những người khác trong làng nghề gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2012, bà Út được Hội LHPN xã Vĩnh Phú Đông nhận ủy thác tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện, bà vay được 8 triệu đồng, có vốn mua trúc nguyên liệu về đan đát. Bà Út cho biết, cách đây vài năm, do nhiều người ở địa phương phá bỏ diện tích trồng trúc để làm ruộng, nên nguồn trúc ở địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, nên gia đình bà phải sang các địa phương khác mua trúc về đan đát, ngoài ra, các sản phẩm ít được người tiêu dùng chọn mua hoặc họ mua với giá rất rẻ, nên không đạt lợi nhuận cao. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình bà vẫn luôn bám trụ với nghề đan đát, bởi nghề này được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua hơn 30 năm thăng trầm trong nghề đan đát, hiện nay, làng nghề ấp Mỹ 1 có nhiều khởi sắc, sản phẩm của bà con làm ra được thương lái đến tận nơi để thu mua với giá ổn định, nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Bà Út cho biết thêm: Gia đình bà hiện nay chủ yếu là đan cần xé để bán, các thương lái đến tận nhà để thu mua với giá thành khá ổn định, mỗi cái cần xé có giá dao động từ 50 đến 70 ngàn đồng, tùy từng kích cở khác nhau. Cứ 3 ngày, vợ chồng bà đan được 20 cái cần xé, sau khi trừ các khoảng chi phí, gia đình bà thu được lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện tại nguồn trúc nguyên liệu ở địa phương không cung ứng đủ nên bà phải đi qua địa phương khác, như: huyện Hồng Dân, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) để mua trúc nguyên liệu, hoặc thương lái chỡ trúc đến bán với giá thành khá cao, mỗi cây trúc mua tại chỗ có giá 4.000 đồng/cây, nhưng khi mua qua thương lái thì mỗi cây trúc có giá khoảng 8.000 đồng. Chính vì vậy, mỗi khi có điều kiện thì gia đình bà Út thuê ghe và đến tận nơi để thu mua, nhằm giảm chi phí và chọn được loại trúc theo ý muốn. Ngoài ra, gia đình bà Út còn cải tạo gần 2 công đất vườn tạp và 1 công đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng trúc, để giảm chi phí mua trúc nguyên liệu. Sau 3 đến 3,5 năm thì trúc cho thu hoạch, nhờ nguồn trúc có sẵn nên gia đình bà ít tốn chi phí mua trúc nguyên liệu, chủ yếu lấy công làm lời. Song song đó, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chồng bà còn chạy xe hon đa đầu, đưa rước khách, để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ siêng năng lao động, chí thú làm ăn, mới đây gia đình bà Út cất được ngôi nhà khá khang trang và được công nhận thoát nghèo cách nay 4 năm.

Chị Trương Thị Bé Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Phú Đông cho biết, bà Phạm Thị Út là một trong những hội viên phụ nữ có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, gia đình bà Út còn tích cực thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các phong trào thi đua do Hội cấp trên và địa phương phát động.

Số lượt xem: 508

(Thanh Nhanh, Văn Gõ - PL)

Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Đường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823895 - Fax: 029113. 922696