Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình dương (gọi tắt là APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ý tưởng về APEC lần đầu tiên đề cập công khai trong diễn văn của Thủ tướng Ốt-xtrây-lia Bob Hawke tại Xê-un, Hàn Quốc vào ngày 31/01/1989. Mười tháng sau đó, 12 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đã họp nhóm ở cấp Bộ trưởng tại Can-bơ-rơ, Ốt-xtrây-lia để hình thành APEC. Các thành viên sáng lập gồm: Ốt-xtrây-lia, Nhật Bản, Bru-nây, Ca-na-da, In-đô-nê-xia, Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-bo, Thái Lan và Hoa Kỳ. Tháng 11 năm 1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên chính thức của diễn đàn APEC.

Trong gần 20 năm qua, diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác hàng đầu của Việt Nam về chiến lược, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, công nghệ, viện trợ phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của diễn đàn APEC. Năm 2006, lần đầu tiên đảm nhận trọng trách chủ nhà APEC lần thứ 14 và đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC. Tại hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 họp từ ngày 5 -7/10/2013 ở Bali, Inđonexia, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức năm APEC 2017. Điều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên đối với nước ta. Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm APEC 2006, việc một lần nữa đăng cai APEC 2017 là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới và đây cũng là năm có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của diễn đàn APEC (1998 – 2018). Việc đăng cai năm APEC 2017 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC phục vụ việc hoàn tất các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của đất nước.
Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), việc tổ chức thành công năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng với những kỳ vọng lớn: Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, APEC cần tìm kiếm động lực nới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực. Trong đó, then chốt là việc hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do thương mại hóa – đầu tư vào năm 2020; kết quả hoạt động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới và có ý nghĩa cho việc chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư; thông qua năm APEC 2017 để tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tến thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới. Đồng thời, đây còn là cơ hội quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập, mang lại những cơ hội phát triển, giao lưu giữa các vùng miền, địa phương và tạo cho các doanh nghiệp của Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về diễn đàn APEC.
Năm 2017, Việt Nam sẽ đón tiếp, gặp gỡ hàng chục nghìn đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các nền kinh tế thành viên APEC. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng. Để góp phần vào thành công năm APEC 2017, mỗi chúng ta cần: ứng xử văn minh, chào đón hòa nhã, thân thiện; giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp để giúp bạn bè quốc tế cảm nhận những nét đẹp của nền văn hiến và con người Việt Nam. Và đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của nước ta trong giai đoạn phát triển mới.
(Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh)