Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ. Liên hợp quốc lấy ngày 25-11 hằng năm làm Ngày Quốc tế Phòng, chống bạo lực gia đình. Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008.
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ quan trọng cần có sự nỗ lực chung tay, chung sức của cộng đồng vì thế các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát các ngành, đoàn thể các cấp trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ hưởng ứng tích cực trong quá trình tham gia triển khai thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình.
Trước đây, tình trạng bao lực gia đình xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi và phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau. Bạo lực gia đình được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau như bao lực về thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế… nghiêm trọng hơn bạo lực đã xâm hại đến quyền con người, danh dự nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữđược các cấp Hội Phụ nữ chú trọng đẩy mạnh, lồng ghép tuyên truyền chỉ thị 55/CT-TW ngày 28/6/2001 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị 49/CT-TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản có liên quan; văn hóa giao tiếp - ứng xử trong đời sống gia đình. Tập trung tuyên truyền cao điểm vào thời điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm, ngày 25/11- Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm tác động đến các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, các hộ gia đình về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội trong việc thực hiện mục tiêu chung của chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động phụ nữ giáo dục đạo đức con em trong gia đình thực hiện Nghị quyết liên tịch về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013 đến năm 2016”, đề án “Tuyền truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước” giai đoạn 2011 - 2015… các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết và nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về thực trạng và cách phòng chống bạo lực gia đình. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, trong 10 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 2.240 cuộc có 72.672 lượt hội viên, phụ nữ tham dự.
Ngoài ra, còn tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng:Ngay từ đầu các năm, BTV Tỉnh Hội phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng chuyên mục “Phụ nữ Bạc Liêu ngày nay” và chuyên trang phụ nữ trên Báo Bạc Liêu (phát hành định kỳ 1 lần/tháng). Các cấp Hội còn phối hợp với Đài Truyền thanh, trạm truyền thanh, cổng thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh đưa 780 bài, tin có liên quan về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, đến nay có 1.679.857 lượt người truy cập vào cổng thông tin điện tử của Hội. Đồng thời cấp phát 1.200 cuốn sổ tay tuyên truyền và trên 25.000 tờ rơi các loại; 150 cuốn “Quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em”; trên 1.000 cuốn bản; 280 cuốn tài liệu tuyên truyền về Khởi sự kinh doanh có lồng ghép giới; 100 cuốn tài liệu hướng dẫn thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 do Trung ương Hội cung cấp và các ngành có liên quan biên soạn.
Riêng trong năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành như: Phối hợp với Công an ban hành Kế hoạch số 11/KHPH-HPN-CA ngày 17/8/2018 của Ban Thường vụ Hội LHPN và Công an tỉnh Bạc Liêu về tuyên truyền Luật Cảnh vệ; Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống buôn bán người trong hệ thống Hội phụ nữ tỉnh Bạc Liêu. Qua đó đã mở 04 lớp có 270 người tham dự;
Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng xây dựng kế hoạch tuyên truyền Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Phối hợp với Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 35/KHPH-STP-HLHPN ngày 19/4/2018 giữa Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu về việc “Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Kế hoạch số 89/KHPH-STP-HLHPN ngày 24/9/2018 2018 giữa Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu về việc “Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2018”. Qua đó tổ chức 01 cuộc hội nghị có 90 đại biểu tham dự.
Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm theo từng năm về số lượng và cả tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Từ năm 2009 đến 9 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 4.151 vụ, trong đó trong năm 2009 là 1.101 vụ; năm 2010 là 778 vụ; đến năm 2017 là 89 vụ và 9 tháng đầu năm 2018 là 37 vụ, giảm 1.064 vụ so với năm 2009.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng góp phần xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xậy dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tính đến nay trên toàn tỉnh Bạc Liêu tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 95,4%, có 516/518 ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa chiếm tỷ lệ 99,6% và có 24/64 xã, phường, thị trấn chiếm tỷ lệ 37,5%.
Từ khi triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức của chính quyền, đoàn thể, cộng đồng và người dân ngày càng được nâng lên; việc thay đổi hành vi về bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới có chiều hướng tích cực, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người được đề cao; xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định văn minh, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
(Hải Vy)