Thời gian qua, BTV Hội LHPN tỉnh tích cực phối hợp với ngành Công thương tích cực triển khai tuyên truyền thực hiện Quyết định số 939/QÐ-TTg, phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939) của Thủ tướng Chính phủ). Ðề án đã giải tỏa những vướng mắc khó khăn từ thực tiễn tồn tại trong nhiều năm nhất là khâu tư vấn hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng phụ nữ nhằm đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, phù hợp chủ trương khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo công ăn việc làm ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Phát huy các mô hính có hiệu quả kinh tế - xã hội, phát động rộng rãi phong trào khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là một trong những giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội các cấp giúp phụ nữ tạo việc làm ổn định giảm nghèo, tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng phát triển bền vững.
Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ với mức độ ngày càng tăng tạo uy tín và chổ dựa tin cậy giữa tổ chức Hội và phong trào phụ nữ ở địa phương, đơn vị. Phối hợp tổ chức 04 lớp khởi sự doanh nghiệp tại địa điểm thành phố Bạc Liêu, thị trấn Phước Long và thị xã Giá Rai với 140 học viên tham dự. Tổ chức 03 lớp tập huấn các kiến thức về xúc tiến thương mại, hướng dẫn lập 05 đề án hỗ trợ máy móc thiết bị từ chương trình mục tiêu Khuyến công của tỉnh và chương trình mục tiêu Khuyến công quốc gia, cụ thể các đề án hỗ trợ mua sắm trang thiết bị sản xuất bánh phồng sữa cho hộ kinh doanh nông sản Việt, chủ hộ bà Tạ Tuyết Thu tại thị trấn Phước Long, kinh phí hỗ trợ là 100 triệu đồng; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị sản xuất bún tươi và bánh hỏi cho cơ sở sản xuất Hải Huy, chủ cơ sở bà Từ Thúy Hằng ở thị trấn Phước Long, kinh phí hỗ trợ là 200 triệu đồng; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị sơ chế bọc nilon cho HTX Môi trường Xanh, huyện Hồng Dân, Giám đốc bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, kinh phí hỗ trợ là 75 triệu đồng; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị sấy tôm bằng công nghệ năng lượng mặt trời cho hộ kinh doanh Đa Giàu, chủ Hộ kinh doanh bà Huỳnh Thị Đa ở thị xã Giá Rai, kinh phí hỗ trợ là 200 triệu đồng, hỗ trợ mua sắm máy cán tole sóng 2 tầng cho hộ kinh doanh Ba Kiệt, chủ hộ kinh doanh bà Từ Thị Vân ở thị xã Giá Rai, kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, còn hỗ trợ trong việc tham gia 05 Hội chợ triển lãm trong tỉnh (hỗ trợ 100% chi phí gian hàng), 19 hội chợ triển lãm ngoài tỉnh (hỗ trợ 50% chi phí gian hàng và chi phí vận chuyển, nhưng đa số các hộ kinh doanh tham gia gian hàng chung với Trung tâm xúc tiến nên chỉ lo chi phí cá nhân), 13 hội nghị kết nối cung – cầu tại các tỉnh, thành như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và ĐBSCL. Ngoài ra, nếu cơ sở hộ kinh doanh không có khả năng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại thì gửi sản phẩm, danh thiếp…. để công chức, viên chức Ngành Công Thương đi xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các cơ sở hộ kinh doanh đăng thông tin sản phẩm trên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh…
Mặc dù đạt kết quả phối hợp giữa Hội LH Phụ nữ tỉnh với ngành Công Thương hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vừa nêu trên còn khiêm tốn, nhưng đã có tác dụng gây hiệu ứng mạnh mẽ góp một phần khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn chủ động bắt đầu công việc sản xuất kinh doanh tạo cơ hội việc làm cho bản thân và cộng đồng, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội. Từ những kết quả trên cũng thấy rằng Hội LH Phụ nữ tỉnh với ngành Công Thương tích cực vươn lên từ khó khăn trong điều kiện tỉnh nhà còn thiếu về nguồn lực tài chính hỗ trợ đầu tư cho cán bộ , hội viên và các thành phần kinh tế trong giới nữ khởi nghiệp. Do vậy hướng tới hai đơn vị quyết tâm tập trung thực hiện một số trọng tâm công tác thường xuyên đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất và kinh doanh: phối hợp tổ chức các lớp “Khởi sự doanh nghiệp”, các lớp tập huấn kỹ năng tiếp thị, bán hàng, các kiến thức về hội nhập kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin, về thương mại điện tử. Hỗ trợ lập các đề án sử dụng nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh để các hộ kinh doanh mua sắm máy móc và các trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao hơn nữa chất lượng và mẫu mã sản phẩm cũng như mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, cũng như đủ điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Tích cực vận động các cơ sở hộ kinh doanh trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, hoặc nếu các cơ sở hộ kinh doanh không có khả năng tham gia thì gửi sản phẩm hàng hóa, tập gấp, danh thiếp… để công chức, viên chức ngành Công Thương đi quảng bá giới thiệu và xúc tiến thương mại. Tổ chức đoàn đi kết nối cung – cầu, tìm thị trường và tìm đối tác đầu tư tại một số tỉnh, thành trong cả nước.
Vận động và hướng dẫn các cơ sở hộ gia đình tham gia thành viên của sàn thương mại điện tử kết nối mạng Internet. Phối hợp mở các lớp tập huấn các kiến thức về sử dụng thương mại điện tử, cách truy cập thông tin… tạo điều kiện để các hội viên phụ nữ tiếp cận và khai thác thông tin trên mạng tìm hiểu các thông tin về giá cả hàng hóa trong nước và thế giới, có thể trao đổi thông tin, mua bán, giao dịch qua mạng… Tạo điều kiện cho người phụ nữ nâng cao bản lĩnh, năng lực hoạt động “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” biết phương cách vượt lên chính mình và vượt lên những rào cản tâm lý của xã hội để bắt tay khởi nghiệp làm giàu chính đáng trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Phấn đấu trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp có những thương hiệu uy tín đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Kết quả hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đi lên từ khó khăn của Hội LHPN tỉnh và ngành Công thương tỉnh Bạc Liêu là những tín hiệu mới rất đáng biểu dương cần tiếp tục duy trì nhân rộng điển hình trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới.
LAN NGỌC (BDV TU)