Thời gian qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở huyện Hồng Dân dần đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội LHPN huyện phát động cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên, phụ nữ. Qua đó đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trong hội viên phụ nữ.
Từ đầu năm 2018, Hội LHPN huyện Hồng Dân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như sinh hoạt câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm; sinh hoạt cộng đồng; phát tờ bướm, tờ rơi; phân công cho từng chi hội phụ nữ thực hiện từng phần việc cụ thể trong lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc .
Thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội LHPN huyện đăng ký với Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy về chủ đề chung của Hội; Từng cán bộ Hội cũng chọn cho mình công trình, phần việc để học tập, làm theo gương Bác. Theo đó, nhiều công trình đã được triển khai như làm cột cờ ở gia đình (có 9.362 hộ); mô hình tổ phụ nữ giúp nhau vượt khó (ở các xã Ninh Quới, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Quới A, Ninh Thạnh Lợi A, thị trấn Ngan Dừa); mô hình tổ hùn vốn (xã Ninh Quới). Cùng với đó, các mô hình như “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học”, vận động cán bộ, hội viên phát quang bụi rậm, làm hàng rào cây xanh... cũng được hội viên, phụ nữ tích cực tham gia.
Trong cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, các cấp Hội LHPN trong huyện đã tuyên truyền 356 cuộc, có 7.832 lượt chị em tham dự; thành lập mô hình xây dựng gia đình “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội) tại ấp Bến Bào (xã Vĩnh Lộc A) gồm 35 thành viên. Ngoài ra, còn duy trì các CLB Phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa, Khmer; CLB Giáo dân cam kết giáo dục gia đình và người thân không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, an toàn về an ninh trật tự; Thành lập CLB “Phụ nữ dân tộc Khmer nghiêm chỉnh chấp hành Luật An toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa” ở các xã, thị trấn.
Đối với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”, Hội LHPN huyện tiếp tục vận động 6.956 gia đình hội viên đăng ký thực hiện; 100% đơn vị xây dựng kế hoạch đăng ký công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới và năm Dân vận khéo; duy trì 3 CLB, 32 tổ phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”. Theo đó, hiện nay toàn huyện có 9.739/21.768 hộ đạt 8 tiêu chí gia đình “5 không - 3 sạch”.
Tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi thi đua Ái quốc trong hội viên và quần chúng phụ nữ, Hội LHPN huyện đã thành lập thêm 6 tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở xã Ninh Quới (gồm 112 thành viên), tổng số tiền đóng góp gần 1 tỷ đồng. Các tổ này đã giúp vốn cho 326 chị em phát triển kinh tế gia đình.
 |
Mô hình đan thảm lục bình của Hợp tác xã Quyết tâm, xã Vĩnh Lộc. Ảnh: Thái Hiệp.
|
Có thể thấy, các cấp Hội LHPN huyện Hồng Dân đã đổi mới phương thức hoạt động, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, sự quyết tâm trong thực hiện các phong trào thi đua, hăng hái trong lao động, sản xuất đã góp phần không nhỏ trong những thành công mà phụ nữ huyện đã đạt được.
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân khóa XII về tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững giai đoạn 2015 - 2020, thời gian qua Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã chọn khâu đột phá là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chủ trương xây dựng kinh tế hợp tác và hợp tác xã; Trong đó, mô hình phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là một điển hình.
Ngoài việc phối hợp xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của hàng trăm tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện Hồng Dân còn tạo điểm nhấn từ mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, dịch vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, gia công đồ thủ công mỹ nghệ và hùn vốn phát triển kinh tế gia đình… Qua đó đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động nữ ở nông thôn và nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình; một bộ phận cán bộ, hội viên còn thoát nghèo bền vững và không ít chị em đã vươn lên khá giàu khi tham gia mô hình kinh tế hợp tác. Điển hình như nhóm phụ nữ ở ấp Ninh Thạnh Đông (xã Ninh Thạnh Lợi) đã tự phát triển nghề đan ghế nhựa khung sắt hơn 1 năm nay, tuy nhiên để phát huy vai trò của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên Hội Phụ nữ đã làm nòng cốt tập hợp, vận động cán bộ, hội viên tham gia vào “Tổ hợp tác gia công ghế nhựa” với 10 thành viên. Địa điểm sản xuất và nhà kho tập kết nguyên liệu tại hộ chị Lê Thị Khiếm; địa điểm giao dịch buôn bán mặt hàng ghế nhựa là tại chợ Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Vốn điều lệ ban đầu là 10.000.000 đồng, do 10 hộ thành viên đóng góp với gần 30 lao động ở mọi lứa tuổi đều có thể làm được. Hiện nay, trung bình hàng tháng tổ hợp tác gia công xong và cung cấp 170 cái ghế nhựa bán ra thị trường các tỉnh. Theo tính toán, sau khi trừ chí phí nguyên vật liệu và chi phí quản lý, vận chuyển của tổ hợp tác thì lợi nhuận thu về cho mỗi lao động trung bình thấp nhất là hơn 1 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở nông thôn, nhất là người dân tộc Khmer. Chị Lê Thị Khiếm (Tổ trưởng Tổ hợp tác) kiến nghị: Chúng tôi mong sao Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời ngành chức năng cũng mở lớp tập huấn khuyến công giúp chị em có chứng chỉ nghề để vững vàng hơn trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với phát triển thị trường…
Với quan điểm đoàn kết, hợp tác sản xuất - kinh doanh để xây dựng kinh tế gia đình phát triển bền vững; tổ chức Hội Phụ nữ và cán bộ, hội viên phụ nữ ở huyện Hồng Dân đã thi đua thực hiện ngày càng tốt hơn mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, xem đây là công trình, phần việc và điểm nhấn hưởng ứng trong phong trào thi đua làm Dân vận khéo của phụ nữ tỉnh Bạc Liêu năm 2019. Chị Nguyễn Thị Hiểu - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hồng Dân, cho biết: “Những kết quả ban đầu của mô hình phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã của Hội phụ nữ trên lĩnh vực nghề tiểu thủ công nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhờ phát triển những ngành nghề này mà tạo cơ hội và động lực cho chi em khởi nghiệp bền vững tại địa phương, không phải xa quê đi lao động ở những nơi khác”.
Thái Hiệp