Những năm qua, Hội LHPN huyện Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đa dạng các mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ phù hợp nhu cầu hội viên, phụ nữ nhằm giúp đỡ hội viên trong huyện phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, đời sống của các chị em phụ nữ trên địa bàn huyện, nhất là chị em người dân tộc Khmer đã được nâng lên rõ nét, có nhiều hộ thoát nghèo. Bên cạnh, chị em còn được tham gia hoạt động của Chi, tổ Hội phụ nữ và được hỗ trợ học tập nhiều ngành nghề có giá trị, được giới thiệu việc làm cũng như hỗ trợ vốn vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Toàn huyện hiện có khoảng 1.130 Hội viên phụ nữ là người dân tộc Khmer, trong đó có 16 Hội viên là cán bộ phụ nữ. Trong những năm qua, thông qua các mô hình hỗ trợ Hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN huyện Hòa Bình đã từng bước giúp chị em hội có điều kiện sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thoát nghèo, vươn lên khá giả. Để làm được điều đó, Hội LHPN huyện đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua Dân vận khéo, gắn với việc vận động chị em phụ nữ tham gia “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổ chức nhiều lớp học nghề, giới thiệu việc làm, nhất là hỗ trợ chị em được vay vốn ưu đãi từ ngân hành chính sách huyện để đầu tư vào các ngành nghề: chăn nuôi heo, gà, vịt, nuôi tôm, trồng lúa, trồng màu.v.v... Do đó, hiện nay có nhiều chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ người dân tộc Khmer trong huyện từng bước có cuộc sống khấm khá hơn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như gia đình chị Huỳnh Kim Em - ở ấp Thị Trấn A1, Thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình là một điển hình trong việc hỗ trợ vốn và vươn lên thoát nghèo đối với hội viên phụ nữ là người dân tộc Khmer. Trước kia, chị là một gia đình nghèo của thị trấn Hòa Bình, khi được tham gia vào Chi hội phụ nữ ấp Thị Trấn A1, chị Kim Em được Hội LHPN huyện xét và hỗ trợ cho vay vốn ban đầu là 3 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư vào nghề chăn nuôi heo. Khi chăn nuôi heo có lãi, trả hết nợ, những năm sau chị Kim Em tiếp tục được vay vốn nhiều hơn nữa để đầu từ vào các mô hình sản xuất như: Nấu rượu lấy hèm nuôi heo; nuôi heo nái bán heo con và nuôi heo thịt; trồng lúa và buôn bán nhỏ. Do đó, hiện nay chị Huỳnh Kim Em đã có cơ ngơi vững chắc, xây dựng nhà ở khang trang trị giá hơn 400 triệu đồng (vào năm 2015). Bình quân mỗi năm, chị Kim Em có tổng thu nhập hơn 80 triệu đồng. Chị còn phấn khởi cho biết: “Hội phụ nữ đã hỗ trợ cho vay vốn tôi cũng đầu tư cho việc nuôi heo nái, buôn bán nhỏ và làm mấy công ruộng, nhờ chăn nuôi cũng có hiệu quả. Năm nay, làm ruộng cũng không trúng lắm, giá cả thì bấp bên nên chỉ lời ít và mừng lễ ĐôlTa cũng giống như mọi năm, tổ chức đón lễ cũng đầy đủ”.
 |
Ảnh: Hội LHPN huyện tăng quà cho hội viên phụ nữ dân tộc nghèo tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh nhân dip Tết cổ truyền
|
Tương tự như trường hợp của chị Kim Em, chúng tôi đến thăm mô hình trồng màu trên bờ bao nuôi cá và nuôi heo nái của gia đình chị Lâm Thị Hội cũng ở ấp Thị Trấn A1. Trước kia gia đình chị là một hộ nghèo không có đất trồng lúa, không nghề nghiệp ổn định. Sau khi được kết nạp vào Chi hội phụ nữ ấp, chị cũng được vay vốn để đầu tư vào mô hình trồng màu trên bờ bao kết hợp với nuôi cá và nuôi heo nái bán heo con, năm nào cũng cho thu nhập khá và hiện nay gia đình chị Hội đã có điều kiện xây dựng nhà ở ổn định, có của ăn của để, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trao đổi với chúng tôi Chị Lê Hồng Diễm - Tổ trưởng Tổ phụ nữ ấp Thị Trấn A1, TT.Hòa Bình, huyện Hòa Bình cho biết: “Về việc vay vốn thì theo nhu cầu, như đợt này đã vay vốn chăn nuôi thì mình xét cho vay nhiều hơn, đợt này vay chồng màu hoặc làm gì đó thì mình xét theo nhu cầu của chị em đã cần số vốn bao nhiêu... Có rất nhiều chị em đã cần vay vốn như đợt rồi chị Kim Em cũng vay được hơn 10 triệu và chị Hội cũng được vay 5 - 6 triệu. Đợt này chị Hội tính vay thêm để sửa chuồng heo cũng như nối rộng ra thêm, chị Hội thì vừa trồng màu và vừa chăn nuôi nữa. Thấy chị em có nhu cầu vay vốn, cố gắng làm ăn như vậy tôi cũng mừng, chị em không còn khắc khổ như ngày nào”.
Đây là 2 trong nhiều mô hình có hiệu quả của hội viên phụ nữ Hòa Bình, một điều đáng chú ý là cùng với việc hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tạo điều kiện về nâng cao kiến thức, chuyển giao KHKT của Hội phụ nữ, một yếu tố khác giúp chị em phụ nữ thoát nghèo là chính chị em phải tự ý thức cố gắng lao động sản xuất để vươn lên cũng như sử dụng nguồn vốn đúng mục đích,..nhờ vậy, hiện nay đời sống của hội viên phụ nữ đã được nâng lên rõ nét, nhiều chị em còn mở rộng mô hình sản xuất để tăng thêm thu nhập. Chị Trịnh Phương Dung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Bình phát biểu: “Đối với các dịp lễ ĐôlTa, CholNămThMây của đồng bào dân tộc, hàng năm Hội LHPN huyện cũng có chỉ đạo cho Hội phụ nữ các cấp tổ chức nhiều hoạt động để thăm hỏi chị em là cán bộ Hội viên, đặc biệt trong đó là cán bộ phụ nữ nghèo và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, tặng quà để động viên, khích lệ các chị em tạo động lực tiếp tục làm tốt công tác và nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn chỉ đạo cho các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng, góp phần cùng với địa phương chào mừng lễ Đôl Ta, Tết Cổ truyền cho đầm ấm”.
Việc giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của chị em phụ nữ dân tộc Khmer huyện Hòa Bình không chỉ xây dựng các hộ gia đình của chị em phụ nữ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, mà còn tạo điều kiện cho các chị em trở thành những Hội viên nòng cốt, và cũng giúp phong trào của phụ nữ thêm vững mạnh, góp phần với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Mộng Nghi - Hội LHPN HB