Ấp 22 là ấp vùng sâu của xã Phong Thạnh A, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa. Người dân trong ấp chủ yếu sống với nghề trồng thủy sản. Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phong Thạnh A chị Nguyễn Thị Thắm chia sẻ “Nhiều chị em dù rất muốn tham gia nhưng do mưu sinh, họ phải đi làm cả ngày, không có nhiều thời gian tham gia sinh hoạt Hội. Trên địa bàn ấp 22 còn có nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, do vậy, tâm lý các chị ngại tham gia bởi sợ ảnh hưởng tới thu nhập và thời gian chăm sóc gia đình”. Tình trạng hiện nay của ấp 22 là phụ nữ lớn tuổi, già yếu, còn phụ nữ trong độ tuổi lao động thì đi làm ăn xa hoặc làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn của thị xã khiến việc kết nạp hội viên trẻ càng gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Mấy năm gần đây, thời tiết không thuận lợi cho việc nuôi tôm, vì vậy cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn nên có những hộ gia đình chuyển chỗ ở tới địa bàn khác sinh sống, việc phát triển hội viên không những khó mà còn “hao hụt”.
Thực hiện nghị quyết của Hội LHPN xã Phong Thạnh A nhiệm kỳ 2016 – 2021 với phương châm “Ở đâu có phụ nữ ở đó có tổ chức Hội”. Chi hộ phụ nữ ấp cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng chí trong Ban Dân chánh ấp 22 đã tuyên truyền, vận động và tổ chức nhiều mô hình để thu hút chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội như: thành lập tổ hùn vốn, tổ nuôi heo đất, vận động mạnh thường quân hỗ trợ con giống, tiền, gạo v.v… cho những hộ phụ nữ nghèo, đơn thân và đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Để các tổ phụ nữ hoạt động có hiệu quả, dài hơi, kinh phí luôn là nổi trăn trở của Hội phụ nữ xã. Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động ở dưới các chi tổ hội thường eo hẹp, muốn hội viên hào hứng tham gia các phong trào cần “có thực mới vực được đạo”, do vậy “bí quyết” thu hút hội viên tham gia là phải gắn chặt với nhu cầu, nguyện vọng của từng tầng lớp phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã luôn quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ chi/tổ Hội. Thực tế cho thấy, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Nơi nào có đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, có kỹ năng, kinh nghiệm, nơi đó sẽ xây dựng được các chương trình hoạt động hấp dẫn, thiết thực, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của chị em tốt nhất. Bên cạnh đó, cán bộ Hội cần chứng tỏ năng lực hành động của mình tại địa phương để chính quyền cơ sở cùng phụ nữ vào cuộc, quan tâm, hỗ trợ đắc lực cho cán bộ hội triển khai được các nhiệm vụ, phong trào.

Qua thời gian tuyên truyền, vận động, từ một Chi hội ban đầu chỉ có 1 tổ phụ nữ hoạt động cầm chừng. Đến nay Chi hội phụ nữ ấp 22 xã Phong Thạnh A đã có 4 tổ Hội với 192 hội viên. Góp phần nâng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi trở thành hội viên phụ nữ lên tới 75%.
(Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh)