Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời chính thức lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh chống Pháp xâm lược giành độc lập. Đánh giá đúng vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ, ngay sau ngày thành lập, nghị quyết của Đảng về công tác vận động phụ nữ được ban hành. Ngày 20/10/1930, tổ chức chính trị đầu tiên của phụ nữ ra đời đã tập hợp, giáo dục phụ nữ tham gia cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ.
Tại Bạc Liêu, các chi bộ Đảng lần lượt ra đời. Quần chúng lao động nữ sớm tiếp thu những tư tưởng mới về áp bức giai cấp, về độc lập dân tộc sẵn sang đi theo tiếng gọi của Đảng. Chị em tham gia các hội cứu tế đỏ, giúp đỡ tương trợ nhau trước khó khăn. Nhiều nữ thanh niên mạnh dạn thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng. Qua thử thách, nhiều chị trở thành đoàn viên, đảng viên, cán bộ ưu tú của Đảng.
Trong thời kỳ mặt trận dân chủ 1936 – 1939, nhiều cán bộ nữ tham gia ủy ban hành động các địa phương, hướng dẫn quần chúng đấu tranh cho các mục tiêu trước mắt và tích cực chuẩn bị cho Đông Dương đại hội. Ở một số xã Phước Long, Phong Thạnh… nhiều tổ chức phụ nữ dân chủ hình thành và tích cực hoạt động. Hội tương tế, ái hữu trong giới tiểu thương, mua bán chợ thu hút nhiều hội viên liên tục đấu tranh chống đuổi chợ, phạt vạ, đòi giảm thuế chỗ… nhiều cán bộ, đảng viên nữ được phân công đi vào công nhân lao động hướng dẫn anh chị em đấu tranh đòi các quyền lợi bức thiết hàng ngày.
Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, chính phủ Pháp thẳng tay đánh phá phong trào cách mạng. Phụ nữ tham gia mặt trận Phản đế chống sưu cao thuế nặng, giành lại ruộng đất và miếng cơm manh áo, chống bắt lính bảo vệ chồng con. Các tổ phụ nữ dân chủ chuyển thành tổ phụ nữ Phản đế. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12/1940 thắng lợi có sự đóng góp tích cực về nhiều mặt của đảng viên và quần chúng nữ.
Năm 1941, Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời, cán bộ nữ vận động chị em tham gia tổ chức cứu quốc chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ mới. Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Tổ chức phụ nữ Tiền phong ra đời tập hợp nữ sinh viên học sinh và phụ nữ các tầng lớp trung gian học chính trị,, văn nghệ, tập quân sữ v.v… Tháng 6/1945, chị Ngô Thị Huệ ra khỏi nhà tù của Pháp nhanh chóng đi vào quần chúng lao động tổ chức đoàn thể phụ nữ cứu quốc, đào tạo đội ngũ cốt cán nữ. Ngày 19/8/1945 tổng khởi nghĩa thành công tại Thủ đô Hà Nội. Tại rạp Chung Bá (1)tối 21/8/1945, đoàn phụ nữ Cứu quốc tỉnh tổ chức mít tinh có trên 500 phụ nữ tham dự. Chị Ngô Thị Huệ báo cáo với chị em về thời cơ lịch sử và động viên khả năng to lớn của phụ nữ đóng góp cho cách mạng. Sáng 23/8/1945, tại thị xã Bạc Liêu và sau đó ở các quận lỵ, đông đảo chị em phụ nữ cùng nhân dân tập hợp trước tòa bố tỉnh và dinh quận trưởng đón chào giờ phút lịch sử: chính quyền về tay cách mạng. Đoàn phụ nữ Cứu quốc hình thành rầm rộ ở nông thôn, đô thị. Chị Ngô Thị Huệ trở thành đoàn trưởng phụ nữ Cứu quốc đầu tiên tỉnh Bạc Liêu. Phụ nữ Tiền phong sau đó cũng gia nhập vào đoàn phụ nữ Cứu quốc.
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Được sự trợ giúp của các thế lực thù địch, Pháp trở lại tái chiếm Nam bộ. Ngày 23/9/1945 Ủy ban kháng chiến Nam bộ ban hành lệnh kháng chiến chống Pháp. Phụ nữ Bạc Liêu sôi nổi hưởng ứng “Tuần lễ vàng” tạo cơ sở vật chất cho kháng chiến. Trên 80 lượng vàng của phụ nữ và nhân dân Bạc Liêu ủng hộ được chuyển đi mua vũ khí trang bị cho các đơn vị bộ đội.
Các mặt trận vùng trên tan rã, số đông đồng bào tản cư dài xuống Bạc Liêu. Phụ nữ Bạc Liêu no việc nấu nướng phục vụ cả ngày đêm ở 3 trạm tiếp tế tập trung và hoàn thành nhiệm vụ vào đêm 30 tết (năm 1946). Các nử sinh viên học Hà Nội và Sài gòn về tỉnh làm nhiệm vụ tuyên truyền kiêm văn nghệ, nay phụ trách thêm công tác cứu thương chăm sóc khối lượng lớn thương binh.
Ngày 6/1/1946, cả nước tổ chức bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Đoàn thể phụ nữ vận động chị em đi bỏ phiếu đông đủ và phân công cán bộ nữ tham gia các ban bầu cử. Chị Ngô Thị Huệ đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Quân Pháp tấn công vào Bạc Liêu. Đoàn thể phụ nữ vận động phụ nữ thực hiện phương châm “vườn không nhà trống”, nhiều người tự dỡ nhà không cho địch đóng quân. Một số nữ sinh và chị em trẻ được cài lại làm mật báo viên, kịp thời đưa tin về cứ. Nữ thanh niên hăng hái tham gia dân quân du kích ngày đêm tập luyện, canh gác chống địch đi càn và kết hợp với bộ đội bao vây tiêu diệt đồn bót địch. Năm 1947 mỗi xã đều có 1 xã đội phó và 1 tiểu đội du kích nữ, mỗi ấp có 1 trung đội dân quân.
Để ngăn chặn địch đi càn, phụ nữ tích cực tham gia phong trào phá lộ, hàn cản. Các mẹ, các chị chằm cà vun và lo tiếp tế cơm nước ủy lạo dân công. Trong phong trào tấn công tiêu diệt đồn bót địcn nổi lên một số điển hình phụ nữ thực hiện xuất sắc “mỹ nhân kế” ở các đồn Tân Bằng, Rạch Rập, Kinh Ngang, Châu Thới v.v…
Tích cực lao động sản xuất đảm bảo cuộc sống gia đình và đóng góp cho kháng chiến, phụ nữ Bạc Liêu còn lo trồng bông dệt vải giải quyết nạn thiếu vải mặc gay gắt trong vùng, tham gia phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, tổ chức cuộc sống thêm phong phú.
Hội Mẹ chiến sỹ ra đời năm 1947 làm tốt việc chăm sóc, ủy lạo thương binh, bộ đội. Các phong trào vận động thanh niên tòng quân, hủ gạo nuôi quân, lấy chồng thương binh được phụ nữ sôi nổi hưởng ứng.
Tháng 6/1948, Hội phụ nữ Việt Nam chính thức gia nhập vào Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế. Ở Bạc Liêu bộ máy Ban chấp hành phụ nữ các cấp từng lúc có thay đổi cán bộ phụ trách song vẫn hoạt động đều đặn và phát huy tốt vai trò khả năng cách mạng của phụ nữ trong kháng chiến.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Bạc Liêu là khu vực tập kết của lực lượng kháng chiến Nam bộ. Cán bộ phụ nữ được phân công đi triển khai hiệp định, tham gia các ban tiếp quản, kết hợp với các ngành mở lớp đào tạo cứu thương, trị bệnh, giáo viên trang bị người ở lại. Tất cả cán bộ nữ đều được đi các lớp chuyên môn tạo điều kiện bám hợp pháp vào quần chúng.
Trắng trợn phá hoại hiệp định, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về thành lập chính phủ bù nhìn, ráo riết gom quân bắt lính, tố cộng diệt cộng, khủng bố những người kháng chiến cũ và gia đình cách mạng. Nhiều chị bị đánh đập, tù đày, giết choc. Cán bộ phụ nữ len lõi đi vào quần chúng, tập hợp chị em vào các tổ chức công khai biến tướng, chăm sóc quyền lợi của phụ nữ, kịp thời phổ biến chủ trương của Đảng, đối phó âm mưu thâm độc của địch.
Trong những năm tháng ác liệt, phụ nữ đảm nhiệm việc nuôi chứa bảo vệ cán bộ. Có chị đào đến 10 chiếc hầm đủ kiểu và ở nhiều nơi để che mắt địch. Có chị hy sinh chồng, con của mình để bảo vệ cán bộ. Má Nguyễn Thị Mười ở Vĩnh Hưng (nay là xã Hưng Phú huyện Phước Long) hy sinh thân mình để cứu cán bộ và ít có nơi nào như trên quê hương này có một người phụ nữ được Nhà nước phong tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Mẹ Việt Nam anh hùng.
Tháng 8/1959 lệnh đồng khởi nổ ra trong toàn tỉnh. Ở các xã, ấp nhân dân và phụ nữ nổi dậy bao vây uy hiếp đồn bót địch. Nam nữ du kích kết hợp với đơn vị tỉnh, huyện rầm rộ tấn công tiêu diệt đồn bót, cứ điểm của giặc, phá rã các khu tập trung, trừng trị thám báo tề điệp ác ôn, giải phóng vùng nông thôn rộng lớn. Để bảo vệ xóm ấp chống địch đi càn, phụ nữ tích cực xây dựng ấp xã chiến đấu, vót chông, gài ong vò vẽ đánh địch tơi bời.
Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam ra đời, phát động phong trào thi đua 5 tốt trong các tầng lớp phụ nữ ra sức diệt giặc xây dựng nông thôn mới. Tại Bạc Liêu, ban phụ vận hình thành rất sớm. Từ đầu năm 1962, Hội phụ nữ Giải phóng đã có hệ thống từ tỉnh đến huyện, xã lãnh đạo chặt chẽ phong trào phụ nữ.
Nhiều cuộc đấu tranh quy mô hàng vạn phụ nữ chống địch ruồng càn, cướp phá, bắn pháo giết người vô tội. Có những cuộc chỡ theo xác người bị hại buộc địch phải nhận tội, bồi thường. Chị em có những hình thức đấu tranh táo bạo, độc đáo như chặn đầu xe lội nước, níu cánh máy bay, kéo be tàu để bảo vệ mùa màng, bảo vệ cán bộ, giành giật lại thanh niên bị địch bắt đi lính. Phụ nữ Bạc Liêu cũng thực hiện xuất sắc công tác binh vận, vận động binh lính địch rã ngũ, làm binh biến, xây dựng nội tuyến, vận động vợ, con binh sỹ…Song song với đấu tranh chính trị, binh vận đông đảo chị em tham gia công tác vũ trang. Nhiều chị được đề bạt xã đội trưởng, huyện đội phó chỉ huy trung đội, đại đội địa phương quân. Đội biệt động thị xã có nhiều nữ chiến sỹ chiến đấu ngoan cường. Đơn vị thanh niên xung phong được thành lập theo yêu cầu của chiến trường, nhiều chị em trẻ hồ hởi tham gia. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng ngàn phụ nữ bị giam trong các nhà tù. Bị o ép, tra trấn cực hình, chị em vẫn ngoan cường giữ gìn khí tiết. Nhiều chị bị tù nhiều lần, có chị bị bắt đến 9-10 lần. Ra tù, hầu hết đều bị bệnh tật suy kiệt nhưng vẫn tiếp tục công tác,vẫn dũng cảm vượt qua với cả niềm tin tất thắng.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Bạc Liêu đóng góp rất nhiều công sức. Các ban đấu tranh chính trị được thành lập đều có cán bộ Hội phụ nữ tham gia. Hội phụ nữ kêu gọi phụ nữ toàn tỉnh nổ lực đóng góp vào thời cơ lịch sử, phân công cán bộ đứng điểm, tổ chức lực lượng phụ nữ xuống đường, bố trí điểm tiếp tế, cứu thương, vận chuyển, các điểm ém quân, cất dấu vũ khí, may cờ, dẫn đường cho quân giải phóng tiếp cận mục tiêu… Ngày 29/4/1975, có trên 100 phụ nữ cầu Hoàng Diệu xuống đường đòi ngụy quyền đầu hàng cách mạng. 9h30 phút ngày 30/4/1975, nhân dân và phụ nữ tập trung đen nghịt trước Tòa hành chính Tỉnh trưởng chứng kiến Tỉnh trưởng ngụy tuyên bố đầu hàng và chào mừng tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng. 2 chiến sỹ biệt động cắm lá cờ giải phóng đầu tiên trong thị xã.
Trong giai đoạn cách mạng mới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” động viên hầu hết tài năng và trí tuệ của phụ nữ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng: cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn trăm ngàn chị em đạt tiêu chuẩn thi đua. Tiếp đó nhiều phong trào lớn của Hội được liên tục triển khai nhằm tạo cho phụ nữ các điều kiện, vốn kiến thức và bản lĩnh cần thiết tổ chức cuộc sống và tham gia quản lý Nhà nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Hội LHPN đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức hướng dẫn và vận động phụ nữ tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đạt được những thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời đảm đang lo toan cuộc sống gia đình, nuôi dạy con góp phần quan trọng xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới của tỉnh. Từ trong các lĩnh vực lao động sản xuất, công tác, từ phong trào hành động cách mạng rộng lớn của phụ nữ đã xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, những tấm gương điển hình tiên tiến trong các tầng lớp phụ nữ.
Những nữ nông dân trên đồng ruộng, những nữ công nhân trong nhà máy và viên chức nhà nước chăm chỉ với công việc là lực lượng nòng cốt của phong trào phụ nữ, chị em có mặt ở mọi ngành nghề, trên mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội… các chị đã vượt lên những khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi kinh tế hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các chị vừa nổ lực công tác, vừa tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề dưới nhiều hình thức để đáp ứng công nghệ mới và cơ chế mới.
89 năm qua kể từ ngày Hội LHPN ra đời (20/10/1930 – 20/10/2017) và đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phụ nữ Bạc Liêu đã vượt qua bao khó khăn thử thách mới của cơ chế thị trường, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác và tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh nhằm nâng cao vị thế, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Cùng với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Nhìn lại 22 năm qua, một khoảng thời gian không phải là dài, nhưng với tinh thần vượt khó, các cấp Hội trong tỉnh đã phát huy tính năng động, sáng tạo từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đúng hướng với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội”; tập trung chỉ đạo mạnh hướng về cơ sở, sát địa bàn chú trọng đến xây dựng mô hình và phát triển các loại hình hoạt động phù hợp để mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội, nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Những năm qua, các cấp Hội đã tập hợp chị em phụ nữ vào các tổ chức của Hội thông qua các hình thức: tổ ngành nghề truyền thống, tổ mua bán nhỏ, tổ làm rẫy, tổ chăn nuôi, tập hợp các chị em phụ nữ từ các công ty xí nghiệp, các loại hình câu lạc bộ v.v… năm 1997, số lượng chỉ có 20.000 hội viên, đến hôm nay, phong trào phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, đông về số, mạnh về chất. Toàn tỉnh đến nay phát triển tăng thêm 105.124 hội viên (đạt 45,28% so với phụ nữ từ 18 tuổi trở lên); các cấp Hội quan tâm chỉ đạo xây dựng hội viên nòng cốt, hiện có 100% chi, tổ Hội xây dựng được 44.705/105.124 hội viên nòng cốt, chiếm 42,5% so với tổng số hội viên; có 261/518 ấp, khóm được công nhận xóa hộ trắng hội viên và 28/64 Hội LHPN cấp xã đạt tỷ tập hợp trên 50% phụ nữ 18 tuổi trở lên (đạt 43,75% so chỉ tiêu NQ). Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, chủ động tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nữ công nhân lao động không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề, với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Phụ nữ Công an Bạc Liêu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – kỷ cương, sáng tạo, vì an ninh tổ quốc, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ lực lượng vũ trang.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tiếp tục được các cấp Hội thực hiện trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy Bạc Liêu về công tác giảm nghèo. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã bám sát chỉ tiêu của các nhiệm kỳ đề ra để triển khai thực hiện, quan tâm chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường khai thác và quản lý các nguồn vốn chú trọng các mô hình mới và duy trì các mô hình làm ăn có hiệu quả. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các ngành nghề, với tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà, các tầng lớp phụ nữ đã phát huy nội lực tinh thần hợp tác, tương thân tương ái hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, coi trọng tính hiệu quả, bền vững, ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” và phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” được các cấp Hội phát động và triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng tích cực tham gia thực hiện. Hội quan tâm vận động chị em hội viên duy trì thường xuyên hoạt động tiết kiệm tại chi, tổ phụ nữ, nhằm tạo thói quen tiết kiệm trong chị em trong chi tiêu sinh hoạt gia đình và sản xuất, kinh doanh thông qua 603 tổ hùn vốn, tương trợ giúp nhau không tính lãi, tổ hùn vàng, tổ TD-TK… với 10.191 thành viên tham gia, số tiền huy động trên 15 tỷ đồng, đã hỗ trợ vốn cho trên 5.017 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn được mượn vốn chuộc đất, sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Với nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả như tặng sổ tiết kiệm, vườn rau, ao cá, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phương tiện, đỡ đầu hộ nghèo, cho vay vốn sản xuất, tặng con giống, giúp nhau ngày công lao động… Các cấp Hội đã giúp 7.470 hộ hội viên phụ nữ nghèo do phụ nữ làm chủ (đạt 100% chỉ tiêu); tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 3.539 hộ do Hội giúp thoát nghèo, trong đó có 847/750 hộ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều (đạt 112,9% so với chỉ tiêu NQ). Và phải nói đến là việc Hội phụ nữ tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội nữ doanh nhân tỉnh Bạc Liêu lần thứ I (nhiệm kỳ 2019 - 2024)nhằm giới thiệu, nhân rộng những ý tưởng hay, những sản phẩm sản xuất sáng tạo, giải pháp tích cực trong nữ doanh nhân.
Hoạt động khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo được mở rộng về quy mô, chú trọng về chất lượng và hiệu quả. Những năm qua với vai trò đại diện của mình các cấp Hội đã tín chấp thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; Ngân hàng Liên Việt, quỹ tín dụng nhân dân… giải ngân trên600 tỷ đồng, giúp cho hơn 30 ngànlượt hộhội viên, phụ nữ vay đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, các cấp Hội tập trung đẩy mạnh phát động trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ Bạc Liêu với chủ đề: “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” và các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế thông qua phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triễn kinh tế gia đình”, tiếp tục duy trì củng cố nâng chất hoạt động của các tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm – tín dụng và cùng với nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả như tặng sổ tiết kiệm, vườn rau, ao cá, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phương tiện, đỡ đầu hộ nghèo, cho vay vốn sản xuất, tặng con giống, giúp nhau ngày công lao động và mô hình “Mỗi tháng một ngày làm công tác xã hội” … những việc làm đó của các cấp Hội đã giúp hàng ngàn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có điều kiện vượt khó vươn lên thoát nghèo.Từng cấp Hội trong tỉnh đều có tham gia nhận đỡ đầu 1 - 2 hộ nghèo và hộ thương binh, gia đình liệt sĩ. Có thể nói rằng, từ thực tiễn hoạt động của đội ngũ cán bộ nữ nói riêng và các tầng lớp phụ nữ nói chung trên các lĩnh vực đã khẳng định vai trò và vị trí của chị em phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây và hiện nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày nay.
 |
Đại hội của những người phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu giàu đẹp
|
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, đảm bảo phần nào cuộc sống cho hội viên phụ nữ, Hội phụ nữ các cấp còn chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ. Với chủ trương đưa luật vào đời sống hội viên phụ nữ, các cấp Hội trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật đến phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được lựa chọn và thực hiện phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể nhằm giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật và biết vận dụng những kiến thức pháp luật vào cuộc sống thường ngày, giảm bớt các tranh chấp, các khiếu kiện liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, nội dung tuyên truyền PBGDPL tập trung về các lĩnh vực thiết thực với phụ nữ như: Hôn nhân gia đình, dân sự, lao động, khiếu nại, tố cáo... Đồng thời, Hội phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí, trực tiếp tuyên truyền PBGDPL cho phụ nữ tại các xã. Ngoài ra, Hội còn xây dựng các mô hình câu lạc bộ như: “Tuyên truyền viên giỏi; Trợ giúp pháp lý; Tổ tuyên truyền viên pháp luật; Tổ phụ nữ với pháp luật… Duy trì và phát huy tốt hoạt động của các câu lạc bộ “Phụ nữ với an toàn giao thông”; câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa”; câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc với pháp luật”; câu lạc bộ “Phụ nữ Tôn giáo với pháp luật, phòng, chống tội phạm”; câu lạc bộ “5 không 3 sạch”, tổ phụ nữ “4 an, 3 sạch” v.v… ở các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, vận động chị em từ bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, theo quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình. Năm nay, tỉnh Hội xây dựngchương trình công tác với chủ đề là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”chú trọng tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đưa nội dung này về các nhà trường học, các cơ sở; phối hợp với Đoàn thanh niên, Trung tâm Dân số tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho các trường học. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, Hội chưa phải giải quyết đơn thư liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình.
Nhìn lại quá trình 89 năm sau ngày thành lập, được sự quan tâm dìu dắt của Đảng, Hội phụ nữ Bạc Liêu đã tập hợp được mặt trận đoàn kết trong tổ chức chính trị của giới, không ngừng phát huy truyền thống, bản sắc và vai trò to lớn của phụ nữ trong mọi lĩnh vực hoạt động và lập được nhiều thành tích nhất định. Hội luôn coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội cốt cán và củng cố xây dựng Hội từ tỉnh đến cơ sở, nội dung phương thức hoạt động cũng linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Không thỏa mãn với những thành tích đã đạt được, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu ý thức rõ phải nổ lực cao hơn nữa đưa phong trào phụ nữ Bạc Liêu hòa nhập vào những bước đi lên của phụ nữ cả nước và trong khu vực, hoàn thành tốt nhất mục tiêu vì hòa bình, bình đẳng và phát triển của Hội.
Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu